- Phuc's Notes
- Posts
- Lập trình Scratch là gì? Các câu hỏi thường gặp của phụ huynh
Lập trình Scratch là gì? Các câu hỏi thường gặp của phụ huynh
Gần đây, khá nhiều phụ huynh đã gởi tin nhắn hỏi thăm về việc có nên cho con học lập trình hay không, bao nhiêu tuổi thì học lập trình được và cần chuẩn bị gì để học lập trình, vân vân… Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng đi tìm hiểu và giải đáp một số thắc mắc trước khi quyết định có cho trẻ học lập trình hay không?
Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy lập trình mọc lên và quảng cáo quá mức về sức mạnh của lập trình. Không thể phủ nhận lập trình là một môn học hay, mang lại nhiều lợi ích cho người học. Tuy nhiên, cũng như các môn học khác, không phải trẻ nào cũng phù hợp.
1. Lập trình là gì?
Lập trình = lập + trình, là quá trình “lập” hay tạo ra “trình” (chương trình), nghĩa là quá trình con người (hoặc ở thời điểm hiện tại thì AI cũng có thể lập trình) viết ra các chương trình phần mềm.
Do máy tính chỉ có thể hiểu được ngôn ngữ riêng của nó, nên con người muốn viết chương trình để máy tính hiểu thì phải dùng các ngôn ngữ đặc biệt (không phải ngôn ngữ tự nhiên), những ngôn ngữ này được gọi là ngôn ngữ lập trình. Tuy đặc biệt nhưng các ngôn ngữ lập trình cũng có các từ vựng (từ khoá) và ngữ pháp (cú pháp). Để sử dụng được một ngôn ngữ lập trình thì con người cũng phải học các từ khoá và cú pháp. Một số ngôn ngữ lập trình phổ biến: Python, Java, C/C++, Javascript…
2. Lập trình Scratch là gì?
Việc học một ngôn ngữ lập trình thì không dễ, nhưng cũng không phải là quá khó. Tuy nhiên, đối với người mới học, đặc biệt là trẻ em thì học ngay một ngôn ngữ lập trình sẽ không đơn giản. Để đơn giản hoá và giúp trẻ em tiếp cận được với lập trình, MIT Media Lab (một phòng thí nghiệm của Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ) đã tạo ra Scratch và công bố phiên bản đầu tiên vào năm 2007.
Scratch là một công cụ lập trình (cũng có thể hiểu là một ngôn ngữ lập trình) trực quan, trong đó người lập trình không cần phải viết các dòng lệnh (code) phức tạp, mà sẽ dùng các khối lệnh được tạo sẵn, sắp xếp chúng lại với nhau để tạo ra các chương trình. Với Scratch, trẻ có thể:
Tạo ra các đoạn hoạt hình (animation) đơn giản
Làm các trò chơi (game) đơn giản
Dựng một câu chuyện có hình ảnh, âm thanh, hoạt cảnh
Mô phỏng các hiện tượng khoa học tự nhiên, ví dụ: mô phỏng vòng tuần hoàn của nước
Giải các bài toán số học, vẽ được các hình học từ đơn giản đến phức tạp
Sáng tạo được các sản phẩm cá nhân
3. Lợi ích của việc học lập trình Scratch
Trước tiên, các phụ huynh cần hiểu rằng Scratch cũng là một môn học, nó mang lại những lợi ích nhất định nhưng không phải trẻ nào cũng thích. Nó cũng giống như Toán, Tiếng Anh hoặc một môn học năng khiếu, có trẻ phù hợp và có trẻ không phù hợp.
Chính vì Scratch cũng như một môn học bình thường, nên nó có những lợi ích cho người học:
Phát triển tư duy logic và giải quyết vấn đề: Trẻ học cách phân tích bài toán, chia nhỏ vấn đề, thử sai, sửa lỗi.
Tăng khả năng sáng tạo: Scratch không gò bó – trẻ có thể tạo câu chuyện, nhân vật, trò chơi theo trí tưởng tượng của mình.
Rèn luyện sự kiên trì: Để hoàn thành một dự án, trẻ cần thử nghiệm, kiên nhẫn và học cách không bỏ cuộc.
Hiểu công nghệ một cách chủ động: Thay vì chỉ tiêu thụ công nghệ (xem video, chơi game), trẻ học cách tạo ra sản phẩm công nghệ của riêng mình.
Nền tảng cho lập trình chuyên sâu sau này: Scratch giúp trẻ làm quen với các khái niệm cơ bản như biến, vòng lặp, điều kiện… vốn cũng xuất hiện trong các ngôn ngữ lập trình mà các kỹ sư sử dụng trong công việc hàng ngày.
4. Một số câu hỏi thường gặp:
1- Mấy tuổi thì có thể bắt đầu học Scratch?
Thông thường, Scratch phù hợp với trẻ 8 tuổi trở lên, ở Việt Nam thì khoảng lớp 3. Tuy nhiên, nếu trẻ có khả năng tập trung tốt và chịu khó tìm tòi, học hỏi thì có thể bắt đầu sớm hơn.
2- Cần những yêu cầu nào để học được Scratch?
Rất đơn giản:
Biết đọc và hiểu tiếng Việt (hoặc tiếng Anh nếu học giao diện gốc)
Có máy tính hoặc máy tính bảng (tốt nhất là máy tính để bàn hoặc laptop)
Có kết nối Internet (để sử dụng Scratch online hoặc tham gia các khóa học)
Không cần kiến thức lập trình trước đó
3- Học Scratch có giúp con bạn thông minh hơn không?
Nếu bạn đang hỏi “thông minh” theo kiểu chỉ số IQ, thì rất tiếc câu trả lời là “Không”. Tuy nhiên, học Scratch sẽ mang lại những lợi ích như đã nêu ở trên: phát triển tư duy logic, giải quyết vấn đề, kiên nhẫn, sáng tạo… Ngoài ra, khi học đúng giáo viên, các bạn sẽ còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và khả năng giao tiếp để giải quyết vấn đề của mình. Đây là những kỹ năng đòi hỏi trong công việc thực tế sau này.
4- Học Scratch xong thì làm được gì?
Làm được các trò chơi đơn giản để chia sẻ với bạn bè
Làm các video kể chuyện
Giải các bài toán số học, hình học bằng máy tính
Tham gia các cuộc thi lập trình (nếu thích)
5- Học Scratch xong thì có thể lập trình chuyên nghiệp như các kỹ sư phần mềm không?
Rất tiếc là Không. Lập trình chuyên nghiệp phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều kiến thức, sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác (Python, Java, Javascript…), ngoài ra lập trình chuyên nghiệp thường sẽ gắn liền với các frameworks để giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan. Việc học các framework này đòi hỏi thời gian hàng tháng, thậm chí hàng năm để thành thạo.
Tuy nhiên, như đã đề cập, Scratch giúp trẻ nắm được một số kiến thức nền tảng về lập trình. Ngoài ra, thông qua học Scratch, trẻ sẽ rèn luyện một số kỹ năng mềm thực sự rất cần thiết sau này.
Như vậy, thông qua bài viết này, hy vọng các phụ huynh đã hiểu thêm về lập trình nói chung, lập trình Scratch nói riêng, cũng như đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình, trước khi quyết định cho trẻ học lập trình.
Reply